SỞ GD&ĐT LONG AN
TRƯỜNG THPT CẦN ĐƯỚC |
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA
NĂM HỌC 2019-2020
MÔN: Ngữ Văn 12
Thời gian: 120 phút |
I. MỤC TIÊU KIỂM TRA:
- Thu thập thông tin để đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Ngữ Văn lớp 12
- Khảo sát bao quát một số nội dung kiến thức chương trình Ngữ Văn lớp 12 và kĩ năng tạo lập văn bản của học sinh.
Cụ thể, đề kiểm tra nhằm đánh giá trình độ học sinh theo các chuẩn sau:
Tiếng việt: kiến thức về phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, ý nghĩa văn bản
Làm văn: Những kiến thức cơ bản về văn nghị luận ( đoạn văn và bài văn nghị luận xã hội)
II. HÌNH THỨC KIỂM TRA: Tự luận.
III. THIẾT LẬP MA TRẬN:
Mức
độ
Chủ
Đề |
Nhận biết |
Thông hiểu |
Vận dụng |
Cộng |
Vận dụng thấp |
Vận dụng cao |
Đọc hiểu |
- Phương thức biểu đạt
-PCNN
-BPTT
- TTLL.......
-Thể thơ..... |
- Vấn đề tác giả đề cập trong văn bản, biện pháp tu từ, lí giải theo quan điểm bản thân |
- Viết đoạn văn theo yêu cầu |
|
|
Số câu |
1 |
3
|
1 |
|
5 |
Nghị luận văn học |
Nghị luận văn học |
Có những hiểu biết về vấn đề nghị luận, thao tác nghị luận |
Vận dụng kiến thức về tác giả, tác phẩm, kết hợp các thao tác nghị luận và phương thức biểu đạt |
Viết bài văn theo yêu cầu. |
|
Số câu |
1 |
1 |
Tổng số câu |
1
|
3
|
2
|
6
|
Tổng số điểm |
0.5 |
2.5 |
7.0 |
10 |
Tỉ lệ |
10% |
30% |
60% |
100% |
IV. BIÊN SOẠN ĐỀ THEO MA TRẬN
SỞ GD&ĐT LONG AN
TRƯỜNG THPT CẦN ĐƯỚC |
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA
NĂM HỌC 2019-2020
MÔN: Ngữ Văn 12
Thời gian: 120 phút |
|
|
I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Đọc bài thơ dưới đây và trả lời các câu hỏi.
TỔ QUỐC
Tổ quốc là gì nhỉ?
Có phải từ trang sử tôi đã học
Có phải từ cuốn sách tôi đã học
Có phải từ vết thương hóa thành vần thơ
Tôi sinh ra trong thời bình
Tôi không biết đến chiến tranh
Tôi chỉ biết đến nỗi đau trong phim, trong tranh, trong ảnh
Trong lời kể vọng về xa xưa
Tôi đi qua lời ru của mẹ thuở hương sữa mùi lúa ngọt ngào trên đôi môi
Tổ quốc đã cho tôi ăn
Tổ quốc đã nuôi tôi lớn
Tổ quốc đã tặng tôi tiếng yêu đầu tiên
Dòng huyết quản ngậm chặt giọt phù sa
Tôi nghe Tổ quốc dạt dào tiếng ca
Nghe trong máu gập ghềnh sỏi đá
Nghe trong tim màu cờ sắc áo
Bay mãi đến tận ngày sau
Tôi nắm tay em và hỏi
Tổ quốc là gì nhỉ ?
Em trao tôi nụ hôn đầu đời và nói
Tổ quốc in dấu trong bàn chân người lính trẻ.
Phan Nam
Câu 1.Bài thơ trên được sáng tác theo thể thơ nào?Phương thức biểu đạt chính?(0,5 đ)
Câu 2. Nêu nội dung chính của bài thơ. (0,5 điểm)
Câu 3. Xác định và nêu hiệu quả biểu đạt của 01 biện pháp tu từ trong đoạn thơ
“Tôi đi qua lời ru của mẹ thuở hương sữa mùi lúa ngọt ngào trên đôi môi/ Tổ quốc đã cho tôi ăn/ Tổ quốc đã nuôi tôi lớn/ Tổ quốc đã tặng tôi tiếng yêu đầu tiên/ Dòng huyết quản ngậm chặt giọt phù sa”. (1,0 điểm).
Câu 4. Anh/Chị hãy cho biết ý nghĩa đoạn thơ:
“Tôi nắm tay em và hỏi /Tổ quốc là gì nhỉ?/ Em trao tôi nụ hôn đầu đời và nói/ Tổ quốc in dấu trong bàn chân người lính trẻ” ? (1,0 điểm).
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Anh/ Chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ), trình bày suy nghĩ của mình về trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc hiện nay.
Câu 2. (5,0 điểm)
Vẻ đẹp khuất lấp trong tâm hồn
người vợ nhặt (Vợ nhặt- Kim Lân) và
người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa- Nguyễn Minh Châu)
----------------------------------------------------------
ĐÁP ÁN 12 AD 4
I. ĐỌC- HIỂU: (3,0 điểm)
Câu 1 |
Thể thơ : Tự do/ ptbđ: Nghị luận |
0,5đ |
Câu 2 |
Nội dung chính :
- Những cảm nhận sâu sắc về Tổ quốc.
- Bày tỏ tình yêu, niềm tự hào và trách nhiệm với Tổ quốc. |
0,5đ |
Câu 3 |
- Biện pháp tu từ : Điệp ngữ, điệp cấu trúc “Tổ quốc đã...”
- Hiệu quả nghệ thuật :
+ Tạo ra âm hưởng dào dạt, thiết tha, lay động lòng người.
+ Khẳng định tình cảm thân thương, niềm tự hào và lòng biết ơn trước những điều tốt đẹp mà Tổ quốc đã mang lại. |
1,0đ |
Câu 4 |
Ý nghĩa của đoạn thơ :
- Tổ quốc hiện diện trong tình yêu ngọt ngào và thiêng liêng.
- Tình yêu Tổ quốc phải đi liền với trách nhiệm, như “bàn chân người lính trẻ”, luôn sẵn sàng lên đường chiến đấu và hi sinh để bảo vệ khi Tổ quốc cần. |
1,0đ |
II. LÀM VĂN: (7,0 điểm)
Câu 1 : Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ), trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc hiện nay. (2,0đ)
|
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn.
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành. |
0,25đ |
|
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận :
Trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc |
0,25đ |
|
c. Triển khai vấn đề nghị luận.
Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách.
Một số gợi ý:
- Nêu được vấn đề cần nghị luận.
- Bàn luận :
+ Khẳng định Tổ quốc không chỉ là lãnh thổ, biên cương mà còn là nơi con người được sinh ra và nuôi dưỡng bằng những gì ngọt ngào, thân thương nhất. Vì thế, Tổ quốc luôn gắn với tình yêu sâu nặng của mỗi người.
+ Thanh niên luôn là rường cột, là lực lượng chính nên mỗi người phải có trách nhiệm lớn lao với Tổ quốc. Cụ thể:
Yêu thương, gắn bó và tự hào.
Ra sức học tập, dùng trí tuệ để xây dựng một Tổ quốc tươi đẹp, phồn vinh.
Đoàn kết và bảo vệ khi Tổ quốc bị đe dọa.
Sẵn sàng hi sinh vì một Tổ quốc tự do, độc lập.
HS tìm dẫn chứng minh họa.
- Mở rộng:
+ Thể hiện trách nhiệm với Tổ quốc phải bằng hành động thiết thực, cụ thể chứ không phải bằng những lời nói suông, sáo rỗng.
+ Phê phán lối sống ích kỉ, chỉ lo vun vén cho bản thân, trốn tránh trách nhiệm khi Tổ quốc cần.
- Bài học nhận thức của bản thân. |
1,0đ |
|
d. Chỉnh tả, dùng từ, đặt câu.
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt. |
0,25đ |
|
e. Sáng tạo.
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận. |
0,25đ |
Câu 2: Vẻ đẹp khuất lấp trong tâm hồn người vợ nhặt (Vợ nhặt- Kim Lân) và người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa- Nguyễn Minh Châu) (5,0 điểm)
|
Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận.
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận : Gồm 2 phần.
a. Vẻ đẹp khuất lấp trong tâm hồn người vợ nhặt (Vợ nhặt- Kim Lân)
b. Vẻ đẹp khuất lấp trong tâm hồn người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa- Nguyễn Minh Châu)
|
0,5đ |
|
Giới thiệu nét chung hình tượng nhân vật ,yêu cầu đề bài. |
0,5đ |
|
Triển khai nội dung chính:
1. Khái quát về hai tác giả, hai tác phẩm
2. Vẻ đẹp khuất lấp trong tâm hồn người vợ nhặt (Vợ nhặt- Kim Lân)
- Sơ lược về số phận thị trong VN
- Vẻ đẹp khuất lấp
+ Biểu hiện bên ngoài: Đanh đá, trơ trẽn, không sỉ diện táo bạo liều lĩnh
+ Vẻ đẹp khuất lấp: e thẹn, ngại ngùng khi theo không
. Khao khát được sống trong mái ấm gia đình
. Đảm đang, hiền hậu
. Hướng đến tương lai
3. Vẻ đẹp khuất lấp nhân vật người đàn bà hàng chài
- Sơ lược về số phận người đàn bà hàng chài trong CTNX
- Vẻ đẹp khuất lấp
+ Bên ngoài: Xấu xí, nghèo đói, cam chịu
+Vẻ đẹp khuất lấp:
. Tự trọng
. Người vợ bao dung, nhân hậu
. Người mẹ yêu thương con
. Người phụ nữ thâm trầm thấu hiểu lẽ đời
|
2,5đ |
|
4. So sánh, đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật
5.Kết bài
|
1đ |
|
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. |
0,25đ |
|
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. |
0,25đ |
Giáo viên ra đề: Phan Thị Thu Hồng
----------------------------------------------------------------
CHUYÊN ĐỀ THAM LUẬN TRƯỜNG THPT CẦN ĐƯỚC
RÈN KĨ NĂNG VIẾT VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI CHO HỌC SINH
Đọc bài Lưu
A. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Xã hội ngày càng hiện đại, cùng với đó là sự bùng nổ của khoa học kĩ thuật, mạng thông tin, internet... chưa bao giờ con người có thể thực hiện những giao dịch cá nhân tiện lợi như bây giờ, chính vì thế, xã hội cũng hình thành nhiều kiểu người có lối sống thu mình, ngại giao tiếp nhiều hơn. Đáng kể nhất là một bộ phận học sinh có nguy cơ rơi vào lối sống ảo, có suy nghĩ lệch lạc dẫn đến những hành động tiêu cực do nhận thức các vấn đề xã hội chưa đúng đắn. Chính vì thế, việc giáo dục nhận thức cho các em thông qua những môn học ở nhà trường là một việc làm vô cùng quan trọng, nhất là với bộ môn Ngữ văn vì đặc thù chung của môn học này chính là bồi dưỡng tình cảm, tâm hồn và nhân cách cho học sinh giúp các em có thể nhận ra giá trị chân – thiện – mĩ trong đời sống.
“Văn học là nhân học”, thông qua năng lực cảm thụ văn học, trình bày những suy nghĩ, cảm nhận, ý kiến của học sinh xoay quanh một hiện tượng đời sống, một tư tưởng đạo lí, giáo viên có thể nhìn ra, thấu hiểu cách ứng xử của các em trước các vấn đề xã hội.
Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng có thể diễn đạt vấn đề một cách trôi chảy, lưu loát, rõ ràng, lập luận chặt chẽ để thể hiện những suy nghĩ, đánh giá của mình trước một đề văn nghị luận xã hội.
Như chúng ta đã biết, trong chương trình Ngữ văn 12 tuy chỉ có hai bài viết nghị luận xã hội ở học kì 1,nhưng kiểu đề nghị luận, nhất là viết đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ - tương đương với 15 đến 20 dòng lại luôn có mặt trong các đề thi học kì cũng như trong kì thi THPT Quốc gia sắp đến. Mà trên thực tế, một thực trạng chung của học sinh là các em ngại đọc, lười đọc những tác phẩm văn học, nên với kiểu đề văn nghị luận văn học (chiếm 50% trong thang điểm 10) các em thường lơ là. Còn với kiểu đề văn nghị luận xã hội các em có thể tự do bàn luận, phát biểu ý kiến cá nhân theo dạng bài mở nên thuận lợi với các em hơn.
Trước những thực trạng nêu trên, việc rèn luyện cho học sinh cách viết bài văn nghị luận xã hội là việc làm rất cần thiết. Bởi qua bài làm văn không những giúp các em học sinh tiếp cận, hiểu và giải quyết được vấn đề đặt ra từ các đề làm văn nghị luận xã hội mà còn bồi dưỡng cho các em sự yêu thích đối với môn học và cũng là để góp phần giúp các em thêm hiểu người, hiểu đời; làm phong phú thêm đời sống tâm hồn, tình cảm; góp phần hình thành kỹ năng sống cho các em từ những vấn đề xã hội được tiếp cận.
2. Mục đích chuyên đề
Đòi hỏi lớn nhất của kiểu bài văn nghị luận xã hội chính là nằm ở thao tác lập luận, thì phần này học sinh bút lực lại yếu nhất. Chính vì vậy, chúng ta cần
- Đưa ra một số phương pháp giúp học sinh lớp 12 tiếp cận với kiều làm văn nghị luận xã hội có hiệu quả,
- Rèn luyện cho các em cách viết mở bài, kết bài, cách viết một đoạn văn đúng trọng tâm yêu cầu của đề ra.
- Hình thành thái độ tích cực trước những vấn đề xã hội.
B. PHẦN NỘI DUNG
1. CƠ SỞ LÍ LUẬN
1.1 Khái niệm về kiểu bài văn nghị luận xã hội
Văn nghị luận xã hội hiểu đơn giản là kiểu bài nghị luận về một hiện tượng đời sống hoặc một tư tưởng, đạo lí; bao gồm những vấn đề thuộc mọi quan hệ, mọi hoạt động của con người trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội như chính trị, kinh tế, giáo dục, môi trường, dân số...
Nghị luận xã hội có thể đề cập tới rất nhiều mặt của đời sống xã hội. Từ những vấn đề có tầm nhân loại như: chiến tranh và hòa bình, tình trạng ô nhiễm môi trường, những vấn đề nhân sinh quan như quan niệm về lẽ sống và cái chết, về hạnh phúc và tình yêu đến những vấn đề xã hội cụ thể như nạn tham nhũng, tệ cờ bạc, ý thức về pháp luật, tai nạn giao thông hay là cách sống … Tuy nhiên, cần chú ý một thực tế là đề tài của bài nghị luận xã hội thường hướng vào những vấn đề có tính chất thời sự, có ý nghĩa thiết thực và cấp bách đối với toàn xã hội; tập trung bàn bạc, trao đổi về một vấn đề nào đó có liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội về vật chất hoặc đời sống tinh thần của con người.
Trong chương trình Ngữ Văn 12, vấn đề được đề cập trong kiểu bài nghị luận xã hội có thể là: một hiện tượng đời sống; một tư tưởng, đạo lí hoặc về một vấn đề được rút ra từ một tác phẩm văn học.
1.2 Vai trò, vị trí của văn nghị luận xã hội
1.2.1 Trong đời sống
Nghị luận xã hội được ứng dụng hết sức rộng rãi trong đời sống: các bài bình luận, xã luận về một vấn đề, một hiện tượng nào đó thuộc lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa ... Dù tồn tại dưới dạng nói hay dạng viết thì nghị luận xã hội luôn có một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Có thể nói, nó giúp con người nhận thức một cách đầy đủ, cập nhật khách quan các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày, để từ đó định hướng tốt cho sự phát triển tích cực của con người theo quy luật vận động xã hội. Ở Việt Nam, việc đưa thêm dạng đề nghị luận xã hội vào chương trình - sách giáo khoa và đưa thêm câu hỏi nghị luận xã hội vào đề văn những năm gần đây là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự phát triển của đời sống xã hội và vị trí quan trọng của loại văn này.
Nghị luận xã hội là một yêu cầu cần thiết trong đời sống, đặc biệt là cho học sinh bậc Trung học phổ thông. Bởi vì qua cách ứng xử với các vấn đề được đề ra, giáo viên có thể đánh giá suy nghĩ, tình cảm cũng như óc sáng tạo, tư duy của học sinh, bên cạnh đó còn góp phần định hình nhân cách con người.
1.2.2 Trong nhà trường
Trong chương trình Ngữ Văn Trung học phổ thông, kiểu bài nghị luận xã hội được thực hành khá kỹ ngay từ lớp 11. Ở bài viết số 1 đầu năm học lớp 11, học sinh đã được định hướng làm bài nghị luận xã hội. Bài viết số 6 và số 7 lại tiếp tục được định hướng làm bài nghị luận xã hội. Đến lớp 12, phần nghị luận xã hội được đề cập ngay từ đầu năm học với Bài viết số 1 là văn nghị luận xã hội và hai bài lý thuyết, cụ thể là
nghị luận về một tư tưởng đạo lý và nghị luận về một hiện tượng đời sống.
1.3 Những yêu cầu chung của bài văn nghị luận xã hội
Khi viết một bài nghị luận xã hội, người viết phải đảm bảo tính khách quan, khoa học và hướng về vấn đề bàn luận được đặt ra trong đề bài. Điều đó đòi hỏi người viết phải có kinh nghiệm và vốn sống phong phú, hiểu biết rộng và có óc tư duy sắc sảo. Do đó, bài nghị luận xã hội cần phải đạt được những yêu cầu sau:
- Thể hiện sự hiểu biết chính xác, tường tận về vấn đề hay hiện tượng xã hội được bàn bạc.
- Người viết phải có chính kiến, bộc lộ công khai lập trường quan điểm, tư tưởng của mình; đề xuất những ý kiến, nhận định, đánh giá về vấn đề xã hội được đem ra bàn bạc; đưa ra đề nghị, giải pháp thích hợp.
- Bài nghị luận xã hội phải có tính thời sự cao, hướng tới mục đích định hướng tư tưởng và hành động cho người đọc
- Bài nghị luận xã hội là kiểu bài nghị luận có tính chất tổng hợp cao, đòi hỏi người viết phải sử dụng nhiều thao tác nghị luận. Một mặt, bài nghị luận xã hội coi trọng việc giải thích để làm sáng tỏ nội dung cụ thể của những thuật ngữ, hiện tượng, vấn đề … được đề cập đến; mặt khác, nó đòi hỏi phải phân tích những phương diện, những khía cạnh cụ thể của các hiện tượng hoặc vấn đề xã hội đang được đưa ra bàn bạc. Bài nghị luận xã hội cũng yêu cầu những nhận định, đánh giá phải có căn cứ xác đáng; những ý kiến, nhận xét cần phải được chứng minh một cách cụ thể, thuyết phục.
- Trong nhà trường, đòi hỏi học sinh phải hiểu biết cụ thể, trình bày rõ ràng, thuyết phục một vấn đề xã hội đem ra bàn luận; qua đó phải nêu được suy nghĩ, bày tỏ thái độ, nhận xét, đánh giá của riêng mình về vấn đề bàn luận. Học sinh phải biết vận dụng những kiến thức từ trong thực tế đời sống hay lấy trong sử sách để luận giải các vấn đề xã hội; đồng thời, người viết phải chú ý cách sử dụng ngôn ngữ sắc bén, chính xác, gợi cảm, có khả năng khơi động được tư tưởng và tình cảm xã hội của người đọc.
2. THỰC TRẠNG HỌC SINH HỌC NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
2.1 Thuận lợi
- Sách giáo khoa từ cấp Trung học cơ sở lên Trung học phổ thông có sự chuyển tiếp, liền mạch, thống nhất trong hệ thống kiến thức môn học nên về cơ bản học sinh đã được trang bị kiến thức về lí thuyết đầy đủ .
- Sách giáo khoa, sách giáo viên được in ấn kịp thời, đa dạng; các phương tiện thông tin truyền thông: báo, mạng internet … rộng khắp cũng đã giúp ích rất nhiều cho cả giáo viên và học sinh trong quá trình dạy - học Ngữ Văn.
- Học sinh chủ động, thích thú tìm hiểu, khám phá những kiến thức mới trong chương trình nên tiết học Văn trở nên sôi nổi, hào hứng hơn; đồng thời giúp các em khắc sâu được kiến thức cơ bản của bài học.
- Hiện nay, với sự phát triển của đời sống xã hội, nghị luận xã hội ngày càng có vai trò thiết thực trong cuộc sống. Cái hay của văn nghị luận xã hội, trước hết là học sinh không cần thuộc làu làu những tri thức đọc hiểu mà vẫn có thể làm bài được. Các em có thể tự do trình bày những suy nghĩ, quan điểm của mình một cách khách quan nhất. Mặt khác, các em cũng có thể thể hiện sự hiểu biết phong phú của mình cho bài viết sinh động hơn.
2.2 Khó khăn
- Điều kiện khó khăn nên không phải học sinh nào cũng có điều kiện tiếp xúc với các kênh truyền thông để kịp thời trang bị kiến thức, trong khi những vấn đề được đưa ra bàn luận trong bài văn nghị luận xã hội thường gắn liền với những thông tin, kiến thức mang tính thời sự. Cũng do các em chưa cý thức chú trọng đến các vần đề xã hội nhiều
- Do tuổi đời của các em chưa nhiều, khả năng nhận thức chưa cao, cơ hội va chạm với muôn mặt của đời sống còn ít nên dẫn đến vốn sống, kinh nghiệm sống, sự hiểu biết xã hội không tránh khỏi có những hạn chế nhất định.
- Ý thức tiếp cận những vấn đề xã hội của các em chỉ mang tính quan sát mà không mang tính nhận thức, cho nên có khi biết mà không nói được vấn đề một cách rõ ràng.
- Một thực tế khác là các em nắm lý thuyết làm văn nghị luận xã hội rất hời hợt và còn có phần xem nhẹ. Chương trình Ngữ Văn Trung học phổ thông mới chủ yếu tập trung rèn luyện kỹ năng nghị luận văn học cho học sinh. Cụ thể, chương trình Ngữ Văn Trung học phổ thông có 21 bài làm văn thì nghị luận xã hội chỉ được viết 4 bài (1 bài lớp 10, 1 bài lớp 11 và 2 bài lớp 12), còn lại đều là bài nghị luận văn học. Trong quá trình giảng dạy, đa số giáo viên cũng đặt việc rèn luyện kiểu bài nghị luận văn học cho học sinh ở vị trí số 1, vì nó liên quan đến các tác giả và tác phẩm văn học trong chương trình. Vì thế, các em học sinh càng mơ hồ phương pháp làm bài và hạn chế những hiểu biết, kinh nghiệm, vốn sống ... về nghị luận xã hội.
3. MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP GIÚP HỌC SINH RÈN LUYỆN KĨ NĂNG LÀM VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
3.1 Phương pháp tích luỹ kiến thức
3.1.1 Kiến thức từ sách vở
Ở chương trình Ngữ văn 12, các em cần chú trọng đến hai kiểu bài văn nghị luận xã hội đó là nghị luận về một tư tưởng đạo lí và nghị luận về một hiện tượng đời sống. Để làm tốt kiểu bài này, bắt buộc học sinh cần nhận dạng được đề văn. Để nhận dạng được đề văn học sinh cần nắm được khái niệm, nội dung xoay quanh kiểu bài văn mình sẽ tiến hành nghị luận. Cụ thể như sau:
* Nghị luận về một tư tưởng đạo lí
- Khái niệm: Nghị luận về một tư tưởng đạo lí là quá trình kết hợp những thao tác lập luận để làm rõ những vấn đề tư tưởng, đạo lí trong cuộc sống.
- Đề tài: Đề tài của nghị luận về tư tưởng, đạo lí là vô cùng phong phú, bao gồm:
+ Các vấn đề về nhận thức như lí tưởng, mục đích sống …
+ Các vấn đề về tâm hồn, tính cách như: Lòng yêu nước, lòng nhân ái, vị tha, bao dung, độ lượng, tính trung thực, dũng cảm, chăm chỉ, cần cù, thái độ hòa nhã, khiêm tốn, thói ích kỉ, ba hoa, vụ lợi ...
+ Về các quan hệ gia đình: tình mẫu tử, anh em ...
+ Về quan hệ xã hội: tình đồng bào, tình thầy trò, bạn bè …
+ Về cách ứng xử, những hành động của mỗi người trong cuộc sống ...
- Yêu cầu:
+ Biết phân tích, giải thích để xác định vấn đề đặt ra trong đề bài, hiểu được vấn đề cần nghị luận.
+ Chứng minh những biểu hiện cụ thể của vấn đề, so sánh, bàn bạc, bác bỏ vấn đề …
+ Phải biết rút ra ý nghĩa của vấn đề bàn luận.
- Các thao tác lập luận cơ bản: Gồm các thao tác: giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh, bác bỏ, bình luận.
- Nội dung cơ bản của bài làm:
+ Giới thiệu, giải thích tư tưởng, đạo lí cần bàn.
+ Phân tích những mặt đúng, bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề bàn luận.
+ Nêu ý nghĩa, rút ra bài học nhận thức và hành động về tư tưởng, đạo lí.
- Dàn bài khái quát:
a. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề được đưa ra bàn luận.
- Nêu luận đề: dẫn nguyên văn câu chứa nội dung tư tưởng, đạo lí.
- Giới hạn nội dung và thao tác nghị luận sẽ triển khai.
b. Thân bài:
- Giải thích tư tưởng, đạo lí cần nghị luận; nêu các khía cạnh nội dung của tư tưởng, đạo lí.
- Phân tích, chứng minh, bình luận các khía cạnh; bác bỏ, phê phán những sai lệch (nếu có).
- Khẳng định chung, nêu ý nghĩa, liên hệ thực tế, rút ra bài học nhận thức và hành động.
c. Kết bài:
- Tóm tắt các ý, nhấn mạnh luận đề đã nêu ở đầu bài nhằm chốt lại bài viết hoặc dẫn thơ, mở rộng vấn để, gợi ý thêm cho người đọc về vấn đề đang bàn luận.
- Rút ra bài học và nêu cảm xúc, suy nghĩ, hành động của bản thân về vấn đề.
* Nghị luận về một hiện tượng đời sống
- Khái niệm: Nghị luận về một hiện tượng đời sống là kiểu bài lấy một hiện tượng xảy ra trong đời sống để bàn bạc. Từ hiện tượng này, người nghị luận phải phân tích để tìm ra ý nghĩa xã hội về tư tưởng, đạo đức mà bàn bạc, đánh giá vấn đề.
- Các thao tác lập luận cơ bản: Gồm các thao tác: giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh, bác bỏ, bình luận.
- Nội dung cơ bản:
+ Nêu rõ hiện tượng bàn luận và vấn đề đặt ra trong hiện tượng đời sống bàn luận.
+ Phân tích mặt đúng - sai, tích cực - tiêu cực, lợi - hại … của hiện tượng đời sống.
+ Chỉ ra nguyên nhân và bày tỏ thái độ, ý kiến của người viết về hiện tượng xã hội đó.
* Dàn ý khái quát:
a. Mở bài
- Giới thiệu hiện tượng đời sống cần nghị luận.
- Xác định vấn đề đặt ra cần nghị luận trong hiện tượng.
b.Thân bài
- Nêu thực trạng của hiện tượng
.
- Xác định nguyên nhân của thực trạng hiện tượng.
- Đánh giá, phân tích mặt tốt - xấu, tích cực – tiêu cực, lợi – hại … của vấn đề bàn luận.
- Đề xuất giải pháp cho vấn đề: phát huy, khắc phục …
c. Kết bài
- Tóm tắt, chốt lại vấn đề.
- Rút ra bài học.
- Nêu suy nghĩ và hướng hành động của bản thân đối với vấn đề.
3.1.2 Kiến thức từ đời sống
Với kiểu bài văn nghị luận xã hội, nếu kiến thức chỉ gói gọn trong sách vở thì bài làm học sinh sẽ không dễ để thuyết phục được người đọc, cho nên vốn kiến thức từ đời sống xã hội mà bản thân các em đã trải nghiệm sẽ là vốn tư liệu sinh động nhất để các em vận dụng vào bài viết. Muốn vậy, thì:
- Về phía học sinh:
+ Hình thành thói quen quan sát những sự việc diễn ra trong cuộc sống của mình, trên truyền hình, sách báo…
+ Trước một sự việc cần đánh giá được những mặt đúng /sai, xấu/ tốt, tích cực/ tiêu cực.
+ Cách ứng xử của bản thân các em trước những vấn đề đó. Nếu cách em ứng xử đúng mực sự việc diễn biến tốt đẹp thì ở những trường hợp tương tự cần phát huy điều gì? Còn ứng xử sai, kết quả không mong muốn thì rút ra được bài học gì?...
- Về phía giáo viên:
+ Tích hợp, lồng ghép trong bài học những mẩu chuyện, những cách ứng xử trong cuộc sống để kể lại cho học sinh nghe.
+ Sau mỗi câu chuyện được kể cần cho một vài học sinh trình bày cảm nhận.Sau đó định hướng tình cảm, thái độ cho các em.
+ Khuyến khích các em kể lại, tạo cho các em cơ hội để chia sẻ những trải nghiệm của bản thân… dần dần với những yêu cầu của giáo viên trong tiết học tự khắc các em học sinh sẽ chú tâm để ý để quan sát sự việc, hiện tượng trong đời sống của các em.
3.2 Phương pháp rèn kỹ năng làm bài văn nghị luận xã hội
Học sinh thường mắc phải các lỗi khi làm văn nghị luận ,khiến chất lượng bài văn kém hiệu quả: xác định sai yêu cầu của đề bài, không diễn đạt được suy nghĩ bản thân, cách lập luận vấn đề thiếu thuyết phục. Vì thế, muốn các em làm tốt bài bài văn nghị luận chúng ta cần rèn luyện cho các em những kỹ năng sau:
3.2.1 Rèn luyện kỹ năng nhận diện đề, phân tích đề và tìm ý
-
Có thể nói, trong tiến trình hoàn thiện một bài văn thì nhận diện phân tích đề là khâu quan trọng nhất. Bởi nếu ở bước khởi đầu này, các em chỉ cần xác định vấn đề bàn luận sai thì cả bài văn còn lại sẽ xa đề thậm chí là lạc đề.
Vậy để giúp học sinh có thể nhận diện phân tích đề đúng, giáo viên cần lưu ý những điểm sau:
+ Trong các tiết luyện tập, ôn tập và tự chọn, giáo viên chủ động chuẩn bị một số đề làm văn (đa dạng kiểu bài) và yêu cầu học sinh tự xác định yêu cầu của đề văn, dựa vào những câu hỏi cụ thể như:
Đề trên yêu cầu bàn luận về vấn đề gì? Để giải quyết vấn đề đó theo em chúng ta nên sử dụng thao tác lập luận gì? Phạm vi dẫn chứng?.
+ Như ta đã biết về căn bản kiểu bài nghị luận xã hội chia làm ba dạng chính:
Nghị luận về một hiện tượng xã hội, nghị luận về một tư tưởng đạo lý, nghị luận về một vấn đề từ tác phẩm văn học nhưng ở mỗi dạng đó lại có rất nhiều vấn đề đưa ra để nghị luận, vì vậy, giáo viên cho học sinh cơ hội để tiếp cận, làm quen, thì sau này khi gặp phải những dạng đề tương tự học sinh sẽ không bỡ ngỡ mà làm sai yêu cầu của đề bài.
Vậy giáo viên cho học sinh làm quen với đề như thế nào? Giữa các phân môn luôn luôn có sự tích hợp kiến thức, thực tế giáo viên không nhất thiết phải đợi đến tiết làm văn mới định hướng được kiểu đề cho các em, ngay trong cả những tiết giảng văn, nếu tác phẩm đó có những vấn đề nghị luận giáo viên nên tích hợp kiến thức cho các em.
Ví dụ: khi dạy đoạn trích kịch
“Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ, đoạn trích kịch này có rất nhiều vấn đề có thể nghị luận. Chẳng hạn như khi hồn Trương Ba tranh luận với Đế Thích về cách sống ở đời, giáo viên có thể cho học sinh một kiểu đề tham khảo như sau:
Trong đoạn trích kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt” (Lưu Quang Vũ), Hồn Trương Ba đã nói với Đế Thích như thế này: “Ông chỉ quan tâm việc tôi sống mà chẳng cần biết tôi sống như thế nào”. Từ câu nói đó, anh/ chị hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của mình về giá trị sống ở đời”.
Như vậy, rõ ràng đề văn trên thuộc kiểu nghị luận về một vấn đề từ tác phẩm văn học. Nhiều nhất giáo viên chỉ mất khoảng ba phút để cho học sinh xác định yêu cầu của đề và phạm vi dẫn chứng khi các em trình bày cảm nhận về giá trị sống ở đời của con người.
-
Thao tác tìm ý cũng là khâu quan trọng lại thường bị học sinh bỏ qua. Tìm ý hiểu nôm na là khi học sinh phân tích đề, các em sẽ định hình những ý chính hay là các luận điểm cần phải triển khai để làm sáng tỏ yêu cầu nghị luận, bởi luận điểm chính là linh hồn của bài văn nghị luận:
+ Việc xác định các luận điểm khi làm văn không chỉ giúp bài văn nghị luận mạch lạc, rõ ràng, logic mà còn giúp học sinh có thể tránh được lỗi lặp ý khi triển khai và hơn hết các em có thể làm chủ được thời gian để cân đối bố cục ba phần bài văn hợp lý.
+ Luận điểm trong bài văn nghị luận cần phải chính xác, rõ ràng, sâu sắc và mới mẻ.
+ Học sinh luôn phải biết tự đặt ra các câu hỏi: vì sao? Cần phải làm như thế nào? Những hiện tượng nào cần phê phán trong thực tế cuộc sống? Bài học mỗi người tự rút ra được sau các vấn đề bàn luận là gì?
+ Cần lưu ý phải luôn luôn bám sát vấn đề nghị luận. Chỉ có như vậy những luận điểm các em triển khai mới thật sự làm sáng tỏ được yêu cầu của từng đề văn.
3.2.2 Rèn luyện kỹ năng diễn đạt
Bài nghị luận có hấp dẫn, thuyết phục người đọc hay không, làm giúp người viết truyền tải được thông điệp hay không chính là nhờ vào khâu diễn đạt. Giáo viên khi rèn luyện kỹ năng diễn đạt cho học sinh cần lưu ý những điểm sau:
- Về thao tác lập luận. Đối với bài nghị luận xã hội việc vận dụng phối hợp linh hoạt các thao tác lập luận để giải thích, phân tích, bình luận vấn đề, làm cho vấn đề được nhìn nhận dưới các góc độ khác nhau là rất quan trọng.
Ví dụ: đối với dạng đề nghị luận về một tư tưởng đạo lí các bước cần phải tiến hành:
+ Giải thích vấn đề làm cơ sở nghị luận, phân tích các khía cạnh biểu hiện của vấn đề.
+ Vận dụng kiến thức đã tích lũy để chứng minh.
+ Bình luận mở rộng (tạo ra những phản đề).
+ Rút ra những bài học, khẳng định ý nghĩa thiết thực của vấn đề với bản thân và thế hệ trẻ.
- Ở chương trình 12, có những tiết đặc thù giúp giáo viên thuận lợi để rèn luyện kĩ năng cho các em. Như 2 tiết
“Rèn luyện kĩ năng mở bài kết bài trong bài văn nghị luận”, ở tiết học này giáo viên kết hợp vừa yêu cầu học sinh xác định yêu cầu đề vừa rèn luyện kĩ năng viết mở bài kết bài cho học sinh. Lỗi mà học sinh thường vấp phải khi viết mở bài đó là không khái quát hoặc giới thiệu được vấn đề nghị luận (các em thường nói chung chung), còn ở kết bài các em lại không đánh giá được vấn đề nghị luận, còn mở rộng được vấn đề thì còn rất hiếm.
Còn trong bài
“Diễn đạt trong văn nghị luận”, giáo viên cũng áp dụng phương pháp tương tự như trên, nhưng luôn nhớ, bài tập phải trực quan, đó là lấy ngay bài viết của học sinh ra để sửa. Như vậy các em mới có thể khắc sâu, bởi nó rất gần với thói quen diễn đạt của các em.
- Khi rèn luyện kĩ năng viết cho các em, giáo viên cần kiên trì. Với một đề văn đã ra giáo viên cần giao cho học sinh về nhà viết, nhưng chú ý là chỉ viết một đoạn văn ngắn tránh được trường hợp học sinh lười viết
- Chú trọng tiết trả bài. Giáo viên chăm chút trong quá trình chấm bài từ chỉ lỗi đến sửa lỗi cho các em; dù là lỗi gì thì giáo viên cũng cần lấy dẫn chứng thiết thực chỉ ra cho học sinh biết, gợi ý cho các em các cách sửa lỗi. Bên cạnh đó, mời học sinh có bài làm văn tốt đọc bài trước lớp để cả lớp tham khảo. Giáo viên cũng cần chủ động minh hoạ cho các em một vài đoạn văn để các em hình dung ra cách để hành văn.
-
Cũng cần chú ý thêm cách chọn lựa dẫn chứng để đưa vào bài làm. Qua thực tế giảng dạy, ở kiểu bài nghị luận xã hội, ngay cả với đối tượng học sinh giỏi thì khâu các em lúng túng vẫn là sử dụng dẫn chứng xã hội vào bài viết sao cho hiệu quả. Vậy việc huy động dẫn chứng, chọn dẫn chứng cho phong phú, đa dạng và sử dụng như thế nào đều là những kĩ năng người thầy phải trang bị cho học sinh.
- Việc rèn luyện kĩ năng cho học sinh khi làm bài nghị luận xã hội còn phải chú ý từ rèn chính tả đến lựa chọn ngôn từ đặt câu sao cho phù hợp, chính xác với kiểu bài. Có em rất "giản đơn" trong cách lập luận, viết câu, song có em lại thích thể hiện bằng lối diễn đạt cầu kỳ, uyên bác, hoặc đôi khi rơi vào sáo ngữ. Giáo viên phải kịp thời nắm bắt, điều chỉnh lối viết bất cập này. Biện pháp cụ thể giáo viên sửa trên bài, học sinh tham khảo bài viết của nhau tự rút kinh nghiệm; tham khảo bài viết hay của học sinh lớp khác… tất cả đều tỏ ra rất có tác dụng đối với các em.
- Giáo viên gợi ý cho học sinh nhiều cách để viết bài văn nghị luận. Cách viết truyền thống là theo bố cục của một bài làm văn với ba phần mở - thân- kết đầy đủ. Theo cách sáng tạo, với kiểu bài văn nghị luận xã hội, học sinh có thể trình bày vấn đề cần nghị luận dưới dạng một bức thư, một lời kêu gọi, hay là nhật kí…
- Ra đề cũng là khâu quan trọng. Giáo viên chủ động, chịu khó cập nhật thông tin, việc ra đề nghị luận bám sát với những sự kiện nóng trong xã hội sẽ tạo sự thích thú cho các em. Tính thời sự giúp các em đánh giá đúng vấn đề bên cạnh đó các em lại có cơ hội bàn luận, đánh giá để thể hiện cái tôi của mình một cách sâu sắc. Giáo viên cũng sẽ nắm bắt tư tưởng, thái độ của các em kịp thời để định hướng cho các em.
Trong chương trình 12, chỉ có 2 bài viết văn nghị luận xã hội. Nếu học sinh chỉ viết 2 bài số 1 và số 2 này việc rèn luyện kĩ năng viết văn rất khó. Xen trong các bài làm văn, giảng văn có nội dung liên quan, giáo viên chủ động ra đề cho các em viết đoạn văn ngắn, khoảng 200 chữ, vừa ngắn gọn, súc tích, dễ sửa lỗi cho các em, đồng thời cũng bám sát cấu trúc đề thi THPT Quốc gia.
- Giáo viên cần khuyến khích các em đọc sách để tăng thêm vốn từ vựng.
- Điều cuối cùng chính là tâm huyết của người đứng lớp.Học sinh vốn đã yếu, nếu giáo viên sớm nản lòng và không nhiệt tình định hướng, giúp đỡ các em thì dù phương pháp nào đi nữa cũng không hiệu quả.
C. PHẦN KẾT LUẬN
Xã hội hiện nay ngày càng phát triển cùng với sự bùng nổ của các phương tiện thông tin, khoa học, kỹ thuật và công nghệ....ta phải dạy cho các em phương pháp học, lĩnh hội và thể hiện kiến thức. Vì vậy, việc đổi mới phương pháp dạy học của các môn học nói chung và môn Ngữ Văn trong trường phổ thông nói riêng để phù hợp với đối tượng học sinh giảng dạy là điều rất cần thiết. Nó đòi hỏi người giáo viên Ngữ Văn phải linh hoạt, năng động, sáng tạo; biết lựa chọn và kết hợp đồng thời các phương pháp tối ưu nhất, phát huy cao độ tính tích cực, chủ động của học sinh nhằm nâng cao chất lượng học tập môn Ngữ Văn, kích thích và khơi dậy ở các em lòng ham học, ham hiểu biết. Đó cũng là một trong những mục tiêu của giáo dục mà nhà trường phổ thông cần phải chuẩn bị cho học sinh.
Cần Đước ngày 10/1/2020
Tổ Văn Trường THPT Cần Đước